TTO – Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 3 này, đến nay Việt Nam đang có 3 ứng viên vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, giai đoạn 3 và vẫn đang nghiên cứu phát triển.
Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc đã họp thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin này, đề nghị công ty sản xuất, các đơn vị nghiên cứu khẳng định về tính chính xác của dữ liệu nghiên cứu.
Vắc xin Covivac đã đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và hoàn thành tiêm 2 liều của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Đã hoàn thành báo cáo giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, đang hoàn thiện đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Vắc xin Arct-154 là vắc xin mRNA của Công ty Acturus – Hoa Kỳ và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đang thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu nghiên cứu để đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 phục vụ xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách.
Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin đang thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Nhật Bản và Tây Ban Nha tại Việt Nam.
Tuy nhiên cho đến nay cả nước đã tiêm trên 202 triệu mũi, vắc xin nội nếu hoàn tất nghiên cứu, phát triển và được cấp phép cũng khó có khả năng được sử dụng trong 2 mũi tiêm cơ bản trong nước (do hiện đã phủ mũi 3 cho trên 90% người từ 18 tuổi, phủ mũi 2 cho trên 90% người 12-17 tuổi).
Các nhà sản xuất vắc xin nội chỉ còn cơ hội ở các mũi tiêm nhắc lại, nhưng rất cần Bộ Y tế có hướng dẫn và triển khai thử nghiệm lâm sàng các mũi nhắc lại.
Đề nghị kiểm tra, làm rõ tình trạng bán thuốc trị COVID-19 không theo toa tại TP.HCM
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu kiểm tra, làm rõ tình trạng không tuân thủ quy định về bán thuốc theo đơn khi bán thuốc Molnupiravir.
Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán, sử dụng Molnupiravir không đúng quy định về kê đơn thuốc là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thực hiện nghiêm Luật dược 2016 và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật kê đơn, bán thuốc theo đơn trong lưu hành thuốc điều trị COVID-19, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn về bán thuốc theo đơn, trong đó có Molnupiravir.
Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc sở khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát thuốc Molnupiravir tại hệ thống các nhà thuốc trên địa bàn thành phố. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Gia hạn thanh tra mua kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc COVID-19
Ngày 23-3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc gia hạn thời gian thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế.
Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày 15-5.
Hà Nội yêu cầu xây dựng khu lưu giữ tạm thời chất thải sinh hoạt từ các gia đình có F0 điều trị tại nhà
Hà Nội yêu cầu xây dựng khu lưu giữ tạm thời chất thải sinh hoạt phát sinh thu gom từ các hộ có F0 được cách ly, điều trị tại nhà; đảm bảo khả năng lưu chứa, lưu giữ chất thải lây nhiễm theo quy định.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt phát sinh theo hướng dẫn như sau:
Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi; bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”, buộc kín miệng túi trước khi bàn giao.
Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 sẽ thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.
Đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin về hơn 76 triệu người tiêm vắc xin
Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, đến chiều 22-3, trong số hơn 202 triệu liều vắc xin đã tiêm, nền tảng quản lý tiêm chủng đã ghi nhận trên 193 triệu liều, tương ứng 96% đã nhập dữ liệu. Số liều tiêm chưa nhập dữ liệu còn trên 8 triệu, tương đương khoảng 4%.
Từ tháng 11-2021, Bộ Y tế cùng Bộ Công an và Bộ Thông tin – truyền thông đã tiến hành xác minh các thông tin, so sánh trên dữ liệu từ nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.
Tổng số đến nay đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 76.625.823 người tiêm chủng, trong đó 73.112.823 người đã được xác thực là có thông tin về căn cước công dân, chứng minh nhân dân và 3.513.000 người không có căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc sai định dạng.
Trong nhóm có thông tin đã xác thực trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 51.493.286 người thông tin đúng khi đối chiếu tương ứng với 123.419.556 liều tiêm đúng thông tin. Hiện nay, còn 19.039.997 người đang bị sai thông tin, 2.579.540 người chưa được xác thực thông tin…
Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội
Tối 23-3 thông tin trong 24 giờ ghi nhận 13.005 ca COVID-19 mới, giảm hơn 3.000 ca so với hôm qua. Đây là ngày thứ 12 liên tục số ca bệnh ở thủ đô giảm. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.181); Đông Anh (1.036); Long Biên (729); Hoàng Mai (631); Mê Linh (625).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 1.218.279 ca.