Con nhiễm COVID-19 xong thì học bài không được bác sĩ ơi!

TTO – Một cô gái 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học ở TP.HCM, được ba đưa đến đơn vị tâm lý thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám với lý do khó tiếp nhận thông tin khi học, học đến đâu quên đến đó!

“Con nhiễm COVID-19 xong thì học bài không được, con tập trung không nổi bác sĩ ơi! Con hay quên…” – nhiều bạn trẻ đã rất lo lắng tìm đến bác sĩ, mong bác sĩ tìm giúp lại trí nhớ cho mình.

Người có trí nhớ tốt bỗng hay quên

Tình trạng hay quên làm cô sinh viên hoang mang, lo lắng. Cô cho bác sĩ biết, cuối tháng 12-2021, cô bị nhiễm COVID-19.

Người mệt mất 2 – 3 tuần, không mở sách vở học được. Đến khi hết bệnh, mỗi lần nghe thầy cô giảng bài trực tuyến, cô phát hiện mình tiếp thu bài rất khó khăn, đầu luôn trong tình trạng “trống rỗng”, nghe xong cả một bài giảng nhưng lại không thể nhớ được gì.

Một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua và tháng thứ ba… vẫn “khó nhớ và dễ quên”. Trước đây, cô tiếp thu bài rất tốt, nhớ lâu… nên cô rất ngạc nhiên trước tình trạng này. Cô gái lo lắng kể với ba mẹ và ba cô đã đưa cô đi khám bác sĩ.

“Có cách nào điều trị cho con tôi để nhớ được như trước không bác sĩ?” – ba cô lo lắng hỏi bác sĩ.

BS.CK2 Lâm Hiếu Minh, đơn vị tâm lý – khoa khám bệnh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết thời gian gần đây đơn vị tâm lý này tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến khám với lý do khó tiếp nhận thông tin, không thể tập trung học, hay quên, học bài không còn tốt như ngày xưa…

Đặc biệt, nhóm bị tình trạng hay quên sau khi nhiễm COVID-19 lại là những người trẻ, đang là học sinh hoặc sinh viên đại học, là những người đang dùng trí nhớ để học tập.

“Những bạn trẻ này có thể có những triệu chứng khác kèm theo nhưng triệu chứng quên vẫn là nổi bật nhất”, bác sĩ Minh cho hay.

Có những học sinh, sinh viên trước đây có trí nhớ rất tốt, có thể nghe qua bài giảng là nhớ ngay, nhưng hiện nay cũng than phiền “khó có thể tập trung, ghi nhớ được bài giảng”.

Trong số những bệnh nhân đến khám về sức khỏe tâm thần COVID-19 tại đơn vị, có đến 70% bệnh nhân than phiền về triệu chứng quên. Số bạn trẻ đến khám với những lời than phiền này cũng có xu hướng gia tăng.

5 di chứng đáng lưu ý

Theo bác sĩ Hiếu Minh, quên cũng là một triệu chứng của hậu COVID-19 thuộc về di chứng sức khỏe tâm thần. Đây là một trong 5 di chứng hậu COVID-19 gồm sức khỏe tâm thần, hô hấp, da liễu, thần kinh, tim mạch.

Tuy nhiên để xác định quên có phải của hậu COVID-19 hay không, các bác sĩ phải loại trừ triệu chứng quên từ những nguyên nhân khác.

Cụ thể, triệu chứng quên này không được liên quan đến một bệnh lão khoa nào khác như sa sút trí tuệ, không phải do tình trạng sử dụng chất nào đó tác động lên thần kinh và cũng không phải quên do bệnh lý tâm thần hậu COVID-19 như rối loạn cảm xúc, trầm cảm…

Những bệnh nhân bị tình trạng quên của hậu COVID-19 xuất hiện triệu chứng quên trong vòng 3 tháng sau khi bắt đầu có triệu chứng COVID-19, còn nếu sau 3 tháng nhiễm COVID-19 mới xuất hiện triệu chứng quên thì sẽ không được tính là triệu chứng của hậu COVID-19.

Triệu chứng quên cũng phải kéo dài hơn 2 tháng, chứ chỉ quên trong vài ngày thì cũng không được tính.

Quản lý stress, giảm căng thẳng

“Để chẩn đoán tình trạng quên này, bác sĩ sẽ dùng một số thang lượng về trí nhớ để đánh giá” – bác sĩ Minh cho hay.

Bác sĩ Minh nhấn mạnh những bệnh nhân này khó nhớ những thông tin mới, chứ không phải họ quên những thông tin cũ. Còn với những bệnh nhân hay quên những điều trước đó mà đã được ghi nhớ thì phải xem bệnh nhân có vấn đề về thần kinh hay không, có phải do một bệnh lý khác chồng lên bệnh lý này không?

Với trường hợp của cô gái, bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân phải cân bằng lại nhịp sinh học, ăn, ngủ, vận động thể chất phải theo giờ giấc như trước dịch COVID-19, lưu ý việc vận động thể chất rất quan trọng. Nhịp sinh học bị thay đổi nên ảnh hưởng đến cơ thể và thần kinh. Phải giảm stress, giảm căng thẳng… Cần thay đổi cách học, ghi nhớ sao cho thật khoa học…

Nếu bệnh nhân thay đổi những điều này thì có thể sẽ phục hồi khả năng tiếp thu, trí nhớ như cũ. Còn trong một số trường hợp nặng hơn, không phục hồi được thì các bác sĩ sẽ phải điều trị bằng những loại thuốc liên quan hỗ trợ cho tuần hoàn máu não.

Theo bác sĩ Minh, triệu chứng “quên” như trên nếu được can thiệp, điều chỉnh sẽ hết. Khi có triệu chứng “quên”, người bệnh cần đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Người nhập viện có nguy cơ mắc các triệu chứng tâm lý dai dẳng

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, các triệu chứng về nhận thức thần kinh đối với bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 thông thường không kéo dài, chủ yếu do yếu tố tâm lý quá lo lắng.

Theo bác sĩ Hải, nhiều bệnh nhân phàn nàn sau khi mắc COVID-19 có cảm giác hay quên, đau đầu hay những vấn đề khác về thần kinh.

Bác sĩ Hải cho rằng: “Hiện nay, theo những nghiên cứu và dữ liệu cho thấy các vấn đề về tập trung và trí nhớ vẫn tồn tại trong 6 tuần hoặc hơn ở bệnh nhân COVID-19 sau khi xuất viện.

Các nghiên cứu quan sát báo cáo rằng các triệu chứng tâm lý thường gặp sau khi nhiễm COVID-19 cấp tính, trong đó lo lắng là phổ biến nhất.

Trong các nghiên cứu khác, gần một nửa số người sống sót sau COVID-19 cho biết chất lượng cuộc sống trở nên tồi tệ hơn, 22% mắc chứng lo âu/trầm cảm và 23% bệnh nhân được phát hiện có các triệu chứng tâm lý dai dẳng sau 3 tháng. Còn một số ít báo cáo ở trẻ em có các triệu chứng mệt mỏi (3%) và kém tập trung (2%).

Các triệu chứng tâm lý cải thiện theo thời gian nhưng có thể tồn tại hơn 6 tháng đối với một nhóm nhỏ những người sống sót. Những người nhập viện có nguy cơ mắc các triệu chứng tâm lý dai dẳng hơn”.

Về di chứng thần kinh và nhận thức đối với những bệnh nhân có biến chứng thần kinh của COVID-19 cấp tính (ví dụ: đột quỵ, động kinh, bệnh não thiếu oxy, suy nhược thần kinh cơ liên quan đến hồi sức tích cực, hội chứng Guillain-Barré, viêm não), bác sĩ Hải khuyến cáo cần thăm khám thần kinh đầy đủ và đánh giá mức độ thiếu hụt chức năng thần kinh bệnh nhân.

Những bệnh nhân có biến chứng thần kinh sau COVID-19 được quản lý theo cách tương tự như với những bệnh nhân khác.

DƯƠNG LIỄU

 

Suy giảm trí nhớ hậu COVID-19, chữa sao?

Nhiều người gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung vài tháng sau khi mắc COVID-19

– Ảnh: FREEPIK

Trong nghiên cứu “COVID-19 và nhận thức” công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Aging Neuroscience ngày 18-3, các nhà nghiên cứu Đại học Cambridge ghi nhận khoảng 126 trong số 181 người trưởng thành khỏi bệnh COVID-19 gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung vài tháng sau khi mắc bệnh.

Trong đó, 77,8% gặp vấn đề về khả năng tập trung, 69% bị sương mù não, 67,5% mắc chứng quên, 59,5% gặp vấn đề về từ và hiện tượng đầu lưỡi (tức là lời nói đến cửa miệng rồi mà vẫn không nhớ nổi), 43,7% gặp khó khăn về nói và viết từ chính xác.

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2021 đối với các bệnh nhân mắc bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021 cho thấy mức độ nghiêm trọng của di chứng hậu COVID-19, trong đó có các vấn đề về trí nhớ và nhận thức.

Một nghiên cứu khác của Đại học Oxford (Anh) công bố đầu năm nay cho thấy người đã khỏi COVID-19 dù có triệu chứng nhẹ vẫn có biểu hiện suy giảm tập trung và trí nhớ từ 6 đến 9 tháng sau mắc bệnh.

Đây là đặc điểm của hội chứng “COVID kéo dài”, người từng mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng như khó tập trung, hay quên hoặc mệt mỏi.

Đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng này không kéo dài lâu, một số người có thể gặp vấn đề về trí nhớ trong nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.

Báo Hindustan Times dẫn lời tiến sĩ Praveen Gupta, giám đốc khoa thần kinh Viện Nghiên cứu Fortis Memorial (Ấn Độ), cho biết nếu bị mất trí nhớ, sương mù não hay rối loạn chức năng ở các bộ phận cơ thể thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ thần kinh càng sớm càng tốt.

Bênh cạnh đó, mọi người hãy duy trì chế độ ăn uống nhiều trái cây, salad và sữa vì chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng giúp duy trì chức năng não.

Ngoài bữa ăn, cần chú ý đến giấc ngủ. COVID-19 có thể tác động đáng kể đến các chất dẫn truyền thần kinh và gây ra lo lắng và mất ngủ.

“Điều này có thể dẫn đến hay quên, rối loạn chức năng nhận thức, không chú ý. Vì vậy, đừng suy nghĩ nhiều về bệnh tật mà ưu tiên cho những việc quan trọng như điều trị lo âu, uống thuốc bổ cho người suy nhược để cải thiện chức năng não”, tiến sĩ Gupta nói.

Chuyên gia y tế cũng khuyên mọi người nên thư giãn và tham gia vào các trò chơi, hoạt động giải trí, theo đuổi sở thích giúp bản thân vui vẻ nhằm trẻ hóa não bộ và bảo vệ não bộ khỏi các rối loạn chức năng do căng thẳng gây ra.

MINH KHÔI